DU LỊCH HÀ TIÊN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Văn hóa thời hội nhập

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa trong môi trường mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế đang tạo nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với nhiều quốc gia, dân tộc, địa phương. Thành phố Đà Nẵng không là ngoại lệ.

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng ta về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vừa được ban hành trên cơ sở kế thừa những thành tựu của 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa trong hội nhập quốc tế và đời sống xã hội.

Xây dựng con người Đà Nẵng nhân văn

Sau hơn 15 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, trong quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn xác định việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh là một trong những yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững, trong đó, xây dựng con người hoàn thiện cả tư tưởng, trí tuệ và nhân cách là vấn đề gốc rễ. Vì con người là trung tâm, là nội lực phát triển văn hóa.

Con người tham gia xây dựng và làm phong phú thêm nền văn hóa. Và chính văn hóa lại là môi trường loại bỏ “phần con”, dung dưỡng “chất người” trong từng cá nhân và toàn xã hội. “Con người Đà Nẵng trước hết là con người Việt Nam sẽ là nơi thể hiện những tính cách tiêu biểu của dân tộc Việt Nam; họ chính là người trực tiếp tham gia thể hiện và giữ gìn bản sắc của địa phương, của dân tộc qua mỗi thế hệ”, một nhà nghiên cứu văn hóa nói.

Con người không thể tách rời môi trường xã hội. Vì vậy, hơn 15 năm qua, cùng với việc xây dựng và hoàn thiện con người Đà Nẵng, thành phố đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị; các chương trình như “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có” hay đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”... không chỉ tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân thành phố mà còn để lại ấn tượng tốt với các tỉnh bạn.

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) vừa ban hành chỉ rõ, để thực hiện chiến lược về con người, xây dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, thì phải xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thời gian qua, Đà Nẵng luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa gắn liền với việc giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự nghiệp văn học - nghệ thuật, báo chí, xuất bản, phát thanh - truyền hình không ngừng phát triển; sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo, Khoa học - Công nghệ được quan tâm đầu tư với vị trí quốc sách hàng đầu; mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa; vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa ngày càng được nâng cao...

Bản lĩnh hòa nhập

Trên tinh thần tiếp thu Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng, việc xây dựng văn hóa trong thời hội nhập là chuyện không của riêng ngành văn hóa, mà cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan. Cần thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng của tình trạng lạc hậu, ngoại lai về văn hóa, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng cách mạng, những tiêu cực, tệ nạn xã hội, thói giả dối, bệnh thành tích… vẫn đang tồn tại để có giải pháp tích cực.

Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác giáo dục, giác ngộ một bộ phận tầng lớp thanh niên đang có xu hướng sống thiếu lý tưởng, xa rời các giá trị truyền thống, thiếu hiểu biết, cách nhìn đúng đắn về văn hóa, nhất là văn hóa trong thời đại thông tin ồ ạt và nhiều chiều như hiện nay.

Với vấn đề văn hóa thời hội nhập, nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng khi kinh tế càng phát triển, khi đời sống con người dần cải thiện, sung túc hơn, giàu có hơn, thì văn hóa, đạo đức xã hội lại có nhiều biểu hiện xuống cấp, thậm chí có mặt nghiêm trọng? Đâu là nguyên nhân? Liệu có phải do lỗi của thông tin, của truyền thông, mạng Internet, hoặc sự gặp gỡ, giao lưu các nền văn hóa, lối sống quá cởi mở?

Chưa ai tìm được câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi ấy, có điều, từ xưa đến nay, sự giao lưu tiếp biến văn hóa là điều tất yếu. Điều quan trọng là chúng ta phải biết gạn đục khơi trong, phải biết tiếp thu những “chân - thiện - mỹ” của các nền văn hóa trên thế giới và các vùng miền khác để bồi đắp cho văn hóa dân tộc, địa phương mình. Giữ gìn bản sắc cũng phải trên cơ sở vừa kế thừa những giá trị đã được đúc kết từ quá khứ. Kế thừa nhưng không bất biến…

Thiết nghĩ, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thế kỷ 21 này, cần hơn hết bản lĩnh và sự tỉnh táo, để hòa nhập mà không hòa tan.