DU LỊCH HÀ TIÊN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Văn hóa
  • Để ngọn lửa đam mê cháy mãi

Để ngọn lửa đam mê cháy mãi

Trút bỏ những bộ xiêm y lộng lẫy trên sân khấu, họ trở về cuộc sống thường nhật trong căn hộ chung cư cũ kỹ, bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền. Dù khó khăn còn nhiều nhưng những diễn viên trẻ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn hằng ngày nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghệ thuật tuồng.

Phải biết “hy sinh”

Giữa cái nắng đầu tháng 8, theo chân diễn viên Trần Thị Kim Oanh (SN 1982, quê Quảng Nam), người vừa đoạt Huy chương vàng cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu tuồng năm 2014 về khu nhà tập thể Nhà hát tuồng, chúng tôi càng thấm thía cái khó của những người theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Loay hoay và thoáng chút lúng túng, Kim Oanh trải chiếu mời mọi người ngồi (vì căn hộ chỉ khoảng 16m2, vừa là nơi ăn, ở, làm việc thì lấy đâu chỗ đặt bộ bàn ghế).

Cách đó khoảng 10m, khu tập thể dành cho diễn viên nam cũng trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Diễn viên Cao Thế Anh (SN 1983, quê Quảng Bình), người vừa đoạt Huy chương bạc cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu tuồng vừa qua, cười ngượng nghịu: “Mùa nắng thì được xông hơi, còn mùa mưa thì bị thấm và dột”.

Tuy phải sống trong điều kiện như vậy nhưng các diễn viên trẻ Nhà hát tuồng không hề than thở. “Dù sao cũng có chỗ để ở, không tốn tiền thuê nhà trọ. Chứ với đồng lương ít ỏi hằng tháng trong thời buổi kinh tế khó khăn này, chi tiêu cho sinh hoạt còn không đủ thì lấy đâu tiền thuê nhà! Bây giờ có nơi ở, có nơi để biểu diễn, em vui lắm rồi”, Kim Oanh chia sẻ.

Còn với anh Đỗ Trung Tám (SN 1980, quê Quảng Bình), người cũng đoạt Huy chương bạc trong cuộc thi vừa qua, đã chọn nghề này thì phải biết chấp nhận hy sinh. “Dẫu biết nghề nào cũng có cái khó riêng, nhưng với diễn viên tuồng thì phải hy sinh nhiều thứ lắm! Từ ngày bước chân vào nghề, 8 năm rồi tôi chưa ăn Tết cùng gia đình, vì những ngày lễ, Tết là dịp để mình biểu diễn”, anh Tám tâm sự. “Nhưng điều mình áy náy nhất là làm gia đình lo lắng. Nhà ở quê khá khó khăn, ba mẹ chỉ muốn mình kiếm cái nghề nào đó thu nhập cao, nên khi mình chọn nghề này, gia đình hơi bị sốc. Bây giờ, gia đình đã thông cảm, nhưng vẫn lo ngại chuyện mình chưa ổn định kinh tế để yên bề gia thất”, nam diễn viên này thoáng chút bùi ngùi.

Đam mê

Gác lại những nỗi niềm về cuộc sống, khi nhắc đến những vai diễn đoạt giải trong cuộc thi vừa qua, các diễn viên trẻ này đều rạng rỡ hẳn. Có được thành tích như ngày hôm nay, họ phải trải qua khổ luyện và trên hết là phải có trái tim yêu nghề. Dù có năng khiếu nghệ thuật nhưng trước khi trở thành sinh viên của các trường trung cấp, cao đẳng đào tạo diễn viên tuồng, họ chưa biết tuồng là gì. Kim Oanh may mắn sinh ra trong gia đình có ít nhiều liên quan nghệ thuật, như ông nội chơi đàn nhị, chú chơi guitar... Còn Cao Thế Anh và Đỗ Trung Tám sinh ra trên mảnh đất nghèo khó, chỉ duy nhất có niềm đam mê nghệ thuật và mong muốn bước khỏi lũy tre làng bằng nghề diễn viên.

Song, sau khi tiếp xúc với nghệ thuật tuồng, họ yêu bộ môn này lúc nào không hay. Diễn viên Cao Thế Anh cho biết: “Học đã khó, ra trường càng khó hơn. Những ngày đầu về công tác tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, được giao những vai múa cờ, binh lính..., lương ít, áp lực luyện tập, áp lực không được diễn dưới ánh đèn sân khấu... khiến mình nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng niềm đam mê đã ngấm vào người và bây giờ thì cố gắng phấn đấu, tập luyện nhiều hơn”.

Trong khi đó, Kim Oanh chia sẻ: “Nghề này phải học hỏi nhiều lắm. Dù được đào tạo bài bản từ trường học, nhưng khi trải nghiệm trên sân khấu thì mọi thứ bắt đầu từ con số 0. Diễn viên trẻ chúng tôi phải khổ luyện, ngoài các khóa tập luyện với các nghệ sĩ, đêm về chúng tôi phải tự diễn, tìm hiểu kỹ nhân vật, tình tiết để hóa thân vào vai diễn như thế nào cho tốt nhất. Để bước vào cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu tuồng năm 2014, chúng tôi phải trải qua thời gian tập luyện 3 tháng. Trong khoảng thời gian đó, vì quá tập trung vào vai diễn, có lúc tôi ngất xỉu ngay trong lúc tập”.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các diễn viên trẻ này đều khẳng định sẽ tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật tuồng. Theo họ, các nghệ sĩ đi trước đã có tâm, nhiệt huyết truyền nghề cho thế hệ trẻ thì họ phải có trách nhiệm giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt lớp diễn viên kế cận. “Những bằng khen, những huy chương mà chúng tôi có được trong cuộc thi vừa qua là động lực để tiếp tục phấn đấu trong nghề. Chúng tôi chỉ mong sao có nhiều cuộc thi về nghệ thuật tuồng tại các phường, quận, thành phố để các bạn trẻ hiểu và yêu thích tuồng hơn”, Kim Oanh đề nghị.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng mong lãnh đạo thành phố xem xét có chế độ đãi ngộ những người chọn con đường nghệ thuật truyền thống, quan tâm đầu tư cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Có như thế, những đam mê về nghệ thuật tuồng sẽ cháy sáng và lan tỏa”, diễn viên Đỗ Trung Tám nói thêm.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thừa nhận những khó khăn mà các diễn viên tuồng đang gặp phải. “Để giữ chân những diễn viên trẻ, chúng tôi chủ yếu động viên các em rằng nếu thật sự yêu nghề thì phải chấp nhận thích ứng với hoàn cảnh. Các em có thể kiếm việc này, việc kia để làm, dùng nghề tay trái nuôi ngọn lửa đam mê. Nhà hát cũng cố gắng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện... để tạo thêm thu nhập cho diễn viên. Về lâu dài, tôi nghĩ các cấp lãnh đạo nên có chính sách, chế độ đãi ngộ riêng cho diễn viên nghệ thuật truyền thống để họ yên tâm công tác, cống hiến tài năng cho nghệ thuật”, ông Tuấn nói.