399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
CôngThương - Những dịp được gặp Bác trong thời kỳ này đã đem lại cho tôi ấn tượng sâu sắc cùng những bài học vô cùng quý giá về tư tưởng và hành động trong suốt cuộc đời.
Thời gian này, tôi là Phó Ban tuyên huấn Khu ủy kiêm Giám đốc Thông tin tuyên truyền từ các khu 14 đến khu 10 và từ khu Tây Bắc sang liên khu Việt Bắc. Với chức vụ trên, tôi được Đảng giao trách nhiệm chọn trong các tỉnh ở Việt Bắc một cán bộ nhiếp ảnh vừa có tài, vừa đáng tin cậy về phẩm chất và đạo đức. Cuối cùng tôi chọn anh Đinh Đăng Định- nhiếp ảnh viên của Ty Thông tin Phú Thọ. Sau khi được Ban tổ chức Trung ương thẩm tra về mọi mặt, anh Đinh Đăng Định đã được điều động lên phục vụ Bác. Anh đã ghi được những hình ảnh vô cùng quý giá về Bác trong hoạt động và sinh hoạt hàng ngày. Và anh Định đã làm tròn nhiệm vụ từ ngày đó cho đến khi Bác qua đời.
Bác lại cần một người nấu những món ăn thích hợp với cuộc sống giản dị nơi rừng núi chiến khu. Tôi đưa một người nấu ăn đáng tin cậy từ quê hương Hà Nam Ninh lên. Anh ấy tên là Nguyễn Văn Bả cũng đã làm tốt những món ăn giản dị và dân dã mà Bác ưa thích.
Ngoài những việc nói trên, với tư cách là người phụ trách chính về công tác thông tin tuyên truyền, tôi đã may mắn được Bác nhiều lần chỉ dạy cho những điều cần thiết. Có lần, Bác gọi tôi lên để chỉ ra rất nhiều khuyết điểm trong các bản tin và các bài tuyên truyền tại các khu và các tỉnh do chính tôi phụ trách. Bác nêu ra những đoạn viết dài dòng, không thích hợp với trình độ tiếp thu của đông đảo nhân dân, nhất là với bà con mới biết đọc và biết viết. Bác luôn đòi hỏi câu chữ phải thật ngắn gọn, sáng sủa, còn tin tức phải thật chính xác và kịp thời. Một lần, Bác “vi hành” qua địa phương- nơi có cơ quan tôi hoạt động. Trong một quán hàng, Bác thấy một anh cán bộ đứng tuổi vừa ăn uống vừa nói năng ầm ĩ. Biết là một cán bộ thông tin tuyên truyền, Bác đã bảo thư ký nhắc tôi không được sử dụng những người như thế. Đó là anh H.T- một cán bộ đã có thời gian bị tù ở Sơn La. Tôi và chi bộ đã nghiêm khắc phê bình và quyết định anh ấy không bao giờ được ra ngoài ăn nhậu, nói năng bừa bãi như thế nữa.
Qua những lần gặp gỡ Bác, tôi ngày càng xúc động trước tấm gương chiến đấu, lao động, học tập và sinh hoạt hàng ngày của Bác. Từ đó, tôi đã thường xuyên viết những bài về Bác, nhấn mạnh những tấm gương đạo đức của Người, đăng trên các báo thời bấy giờ.
Dù Bác đã đi xa, nhưng tấm lòng yêu nước, thương dân của Người vẫn sáng ngời. Tình yêu thương đó không chỉ dừng lại ở lãnh thổ đất Việt mà còn bao trùm lên toàn thế giới. Bác không chỉ đấu tranh cho nền độc lập dân tộc của Tổ quốc mình mà Người còn ngày đêm suy nghĩ về sự nghiệp giải phóng của toàn nhân loại đang bị áp bức. Người sẽ mãi mãi là con người của Độc lập - Tự do, ở mỗi dân tộc và Hòa bình - Hữu nghị của toàn nhân loại. |
Tháng 6/1947, Bác Hồ chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở trung ương, khối và tỉnh đã họp ở Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) bàn bạc và nhất trí đề nghị lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh, liệt sĩ đầu tiên trong cả nước.
Tại ngôi đền kỷ niệm bức thư của Bác Hồ gửi Ban thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, tôi có viết bốn câu đối thể hiện tấm lòng của Bác:
Câu 1:
Năm ấy tại nơi này, non nước vang xa lời Tổ quốc
Ngày này từ thuở ấy, nghĩa tình sâu nặng khắp nhân dân
Và ba câu ở trong đền nói về tinh thần bất khuất, ý chí chiến đấu kiên cường của thương binh, liệt sĩ. Đồng thời nói về tấm lòng xót thương vị cha già của dân tộc với đàn con quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, và nhắc nhở toàn dân đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, mãi mãi nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ và tận tình săn sóc thương binh:
Câu 2:
Giữ đất nước trường sinh, chí tuổi trẻ kiên cường chẳng khuất
Nghe dân con quyết tử, lòng Cha Già thương xót khôn nguôi
Câu 3:
Bác xót thương binh, vì Tổ quốc, tay què chân gãy
Bác thương liệt sĩ, bỏ gia đình, vợ góa con côi
Câu 4:
Bác răn uống nước nhớ nguồn, hương khói ngàn thu thờ liệt sĩ
Bác dạy đền ơn đáp nghĩa, xóm làng một dạ giúp thương binh
Từ những ngày ấy đến nay, mỗi năm cứ đến ngày sinh cũng như ngày mất của Bác Hồ, tôi đều có những bài viết nhỏ. Gần đây, tôi đã tập hợp những bài viết cũ tôi đã viết thành hai cuốn sách hoàn chỉnh hơn. Đó là: 1- “Hồ Chí Minh- ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam”, tổng hợp toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp và cống hiến to lớn của Bác Hồ đối với dân tộc và nhân loại; 2- “Học tập đạo đức Bác Hồ”, phân tích và nêu lên vấn đề làm sao để theo được tấm gương của Bác