DU LỊCH HÀ TIÊN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Doanh nghiệp
  • TP. HCM: Ngang tầm các thành phố trong khu vực

TP. HCM: Ngang tầm các thành phố trong khu vực

Kinh tế TP.Hồ Chí Minh luôn giữ tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành có hàm lượng khoa học- công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn..., khẳng định hướng phát triển ngang tầm với các thành phố trong khu vực.

CôngThương - 3 năm tái cơ cấu kinh tế

Tổng kết thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đánh giá cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế TP.Hồ Chí Minh trong 3 năm qua, từ kinh nghiệm, cách làm của thành phố sẽ đúc kết để áp dụng cho các địa phương khác.

Sau 3 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu, kinh tế TP.Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 9,6%/năm. 6 tháng đầu năm, GDP tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệu quả từ việc tái đầu tư công đã giảm tỷ trọng vốn khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (năm 2011 chiếm 24,3%, năm 2012 chiếm 21,8% và năm 2013 chỉ còn 20,9%). Bình quân 3 năm 2011- 2013, tỷ trọng vốn khu vực nhà nước chiếm 22,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. TP.Hồ Chí Minh đã mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế, tiềm năng phát triển. Qua đó, vốn ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng tăng dần từ 59,9% năm 2011 lên 62,7% năm 2013; vốn FDI cũng có xu hướng tăng nhẹ từ 15,5% năm 2011 lên 16,1% năm 2013.

Đến nay TP.Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án tái cơ cấu 14/17 tổng công ty, công ty nhà nước. Tình hình hoạt động sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ổn định, phần lớn có lãi, số DN thua lỗ chiếm tỷ lệ thấp.

Lộ trình tái cơ cấu 14/14 ngân hàng đã được triển khai tích cực, hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn bảo đảm an toàn và có bước phát triển. Tổng nguồn vốn huy động của 14 ngân hàng đạt 985.598 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đều bảo đảm đúng quy định.

Nhận định về công tác tái cơ cấu kinh tế của TP.Hồ Chí Minh, ông Trần Du Lịch- Phó Trưởng Đoàn Quốc hội TP.Hồ Chí Minh - cho rằng, thực chất thành phố thực hiện tái cơ cấu từ năm 2002, trong đó tập trung vào 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ; thực hiện vai trò trung tâm trọng điểm kinh tế phía Nam; tập trung hỗ trợ xây dựng khu công nghệ cao; đầu tư xây dựng khu nông nghiệp kỹ thuật cao, khu công nghiệp cơ khí…

Khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh

Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011- 2015 của TP.Hồ Chí Minh phải đạt 10- 10,5%/năm, giai đoạn 2016- 2020 đạt 9,5- 10%/năm và giai đoạn 2021- 2025 đạt 8,5- 9%/năm. GDP đầu người đến năm 2015 đạt 4.856- 4.967 USD và đến năm 2025 đạt 13.340- 14.285 USD.

Phát triển ngang tầm các thành phố trong khu vực

TP.Hồ Chí Minh được xác định là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, được định hướng phát triển là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ ngang tầm với các thành phố trong khu vực. Đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển của TP.Hồ Chí Minh đề ra trong quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2025 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 4/2014.

Để đạt những mục tiêu đó, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011- 2015 của TP.Hồ Chí Minh phải đạt 10- 10,5%/năm, giai đoạn 2016- 2020 đạt 9,5- 10%/năm và giai đoạn 2021- 2025 đạt 8,5- 9%/năm. GDP đầu người đến năm 2015 đạt 4.856- 4.967 USD và đến năm 2025 đạt 13.340- 14.285 USD.

Về cơ sở hạ tầng đô thị, TP.Hồ Chí Minh sẽ phát triển theo mô hình tập trung- đa cực, mở rộng theo hai hướng. Một là hướng đông kết nối với tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Việc phát triển các khu đô thị mới theo hướng phát triển này được xác định nằm dọc tuyến xa lộ Hà Nội. Thứ hai, là hướng nam, TP.Hồ Chí Minh với chủ trương tiến ra biển, phát huy thế mạnh đặc thù sông nước và hành lang phát triển của hướng này là tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ nối đến cảng Hiệp Phước (Nhà Bè).

Để giải quyết bài toán vốn đầu tư, TP.Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP, khai thác nguồn vốn từ quỹ đất, phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, khai thác nguồn vốn ODA, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng.