399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Dây thần kinh giữa, chạy dưới dây chằng ngang cổ tay, nhận cảm giác ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một vài cơ bàn tay. Khi thần kinh giữa bị dây chằng ngang chèn ép sẽ gây đau và yếu bàn tay. Những dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay gồm: (1) Cảm giác tê đau rần rần hoặc như kiến bò ở ngón cái, trỏ, giữa và ngón đeo nhẫn, không xuất hiện ở ngón út. Tê đau tăng lên khi lái xe, cầm điện thoại, đọc báo và khi mới ngủ dậy. (2) Cơ lực bàn tay bị yếu. (3) Thường xuyên đánh rơi đồ vật khi đang cầm...
Các nguy cơ gây hội chứng ống cổ tay gồm: (1) Thay đổi giải phẫu của cổ tay như chấn thương, gãy xương, trật khớp. Người bẩm sinh có ống cổ tay nhỏ dễ bị bệnh hơn. (2) Giới nữ thường dễ bị bệnh, có thể do ống cổ tay nữ nhỏ hơn hoặc nữ làm việc văn phòng nhiều hơn. (3) Tổn thương thần kinh ngoại biên, trong đó có thần kinh giữa, do bệnh mạn tính như đái tháo đường, béo phì, bệnh tuyến giáp, suy thận… (4) Tình trạng viêm nhiễm ở cổ tay như viêm khớp dạng thấp, thấp khớp… ảnh hưởng đến các gân cổ tay đè lên thần kinh giữa. (5) Rối loạn cân bằng nước điện giải trong cơ thể: tình trạng giữ nước khi mang thai, mãn kinh có thể làm tăng áp lực trong ống cổ tay, chèn ép thần kinh giữa. (6) Điều kiện lao động: một số công việc thường xuyên có tư thế co gập, tiếp xúc với công cụ rung hoặc làm việc trong các dây chuyền sản xuất bắt buộc phải căng cổ tay thường xuyên gây tăng áp lực trong ống cổ tay.
Để chẩn đoán bệnh chính xác, cần có những phương tiện cận lâm sàng như: (1) Chụp X quang cổ tay. X quang cổ tay cũng giúp bác sĩ có thể loại trừ các bệnh lý khác ở cổ tay cũng gây đau như viêm khớp hoặc gãy xương cổ tay. (2) Điện cơ đồ (EMG): giúp ích nhiều trong xác định chẩn đoán chính xác hơn.
Có hai nhóm phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay
- Điều trị nội khoa: (1) Đeo nẹp cổ tay: đeo nẹp để cố định cổ tay ngay cả trong lúc ngủ để giảm triệu chứng. Đặc biệt ở phụ nữ có thai thì đeo nẹp là lựa chọn hàng đầu để điều trị. (2) Dùng thuốc kháng viêm giảm đau non-steroid (NSAIDs), có thể tiêm steroid vào ống cổ tay.
- Điều trị phẫu thuật: Thường được dùng khi các biện pháp điều trị nội khoa không đáp ứng, bệnh vẫn còn đau và sinh hoạt còn khó khăn. Mục đích phẫu thuật là để giải phóng thần kinh giữa. Có hai cách phẫu thuật. Mổ nội soi: Phẫu thuật viên dùng dụng cụ nội soi có gắn camera để “nhìn” vào ống cổ tay và cắt dây chằng ngang cổ tay, giải phóng dây thần kinh giữa đang bị chèn ép. Ưu điểm là đường rạch da rất nhỏ, bệnh nhân sẽ ít đau sau mổ và hậu phẫu ngắn ngày hơn. Mổ hở: Phẫu thuật viên sẽ rạch da ở gan bàn tay, cắt dây chằng ngang cổ tay để giải phóng dây thần kinh giữa.
Những cách làm giảm triệu chứng tạm thời: (1) Nghỉ những khoảng thời gian ngắn trong lúc làm việc để thư giãn cổ tay. (2) Xoay cổ tay và giãn lòng bàn tay, ngón tay. (3) Uống một số thuốc giảm đau như: aspirin, ibuprofen hay naproxen. (4) Mang nẹp cổ tay. (5) Tránh gối đầu lên tay khi ngủ.
Một số biện pháp phòng bệnh: (1) Giảm lực vận động cổ tay nếu không cần thiết và thư giãn cổ tay. (2) Để ý đến tư thế làm việc, ví dụ làm việc với máy tính thì nên để bàn phím ngang tầm khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút. Nhớ chú ý đến vị trí của vai và cánh tay, chúng cũng ảnh hưởng đến cổ tay trong lúc làm việc. (3) Giữ ấm bàn tay