DU LỊCH HÀ TIÊN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Doanh nghiệp
  • Công Thương Ninh Bình: Tiếp sức cho làng nghề

Công Thương Ninh Bình: Tiếp sức cho làng nghề

Năm 2014, lần đầu tiên ngành Công Thương tỉnh Ninh Bình tổ chức khảo sát hoạt động sản xuất của các làng nghề. Theo đó, 75 làng nghề được UBND tỉnh công nhận trên địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) ổn định, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn...

 

CôngThương - Làng nghề tạo sức bật cho các doanh nghiệp

 Sở Công Thương Ninh Bình đã thành lập đoàn kiểm tra và khảo sát thực tế hoạt động SX-KD tại 49 làng nghề thuộc 22 xã trên địa bàn 6 huyện, trong đó huyện Hoa Lư 13/13 làng nghề, huyện Kim Sơn 19/25 làng nghề...

Qua khảo sát có 49/75 làng nghề (chiếm 65%) tiếp tục duy trì hoạt động SX-KD ổn định và có chiều hướng phát triển. Nổi bật là 11 làng nghề chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn huyện Hoa Lư, 25 làng nghề cói tại huyện Kim Sơn, Yên Mô và Yên Khánh; một số làng nghề thêu ren huyện Nho Quan, gỗ mỹ nghệ trên địa bàn thành phố Ninh Bình và huyện Nho Quan...

Thực tế cho thấy, nhóm các làng nghề này đã và đang hoạt động hiệu quả là do trên địa bàn có cơ sở, doanh nghiệp (DN) đầu mối, vệ tinh… cung cấp đơn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Ninh Bình không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, số hộ, lao động tham gia vào hoạt động sản xuất nghề tiếp tục được duy trì, đạt 57-58%/ làng; doanh thu bình quân đạt 17,6 tỷ đồng/làng; thu nhập của người lao động ổn định với mức thu nhập bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng. Đáng kể, các nghề chế tác đá mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ, mộc mỹ nghệ, nề xây dựng có thu nhập tương đối cao, đạt từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; các nghề thêu ren, sản xuất chế biến cói, bèo xuất khẩu đạt từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng.

Sở Công Thương Ninh Bình tích cực hỗ trợ các làng nghề sưu tầm tài liệu lịch sử, tuyên truyền, động viên, khuyến khích các cá nhân, thợ giỏi sáng tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt để tham gia các cuộc thi, các chương trình bình chọn, hội chợ triển lãm..., giúp thương hiệu, sản phẩm làng nghề “bay” xa.

Cần những chính sách hỗ trợ

Các làng nghề được tiếp cận với chính sách hỗ trợ của nhà nước chủ yếu thông qua hoạt động của các DN, cơ sở sản xuất. Thực tế việc hỗ trợ đã phát huy hiệu quả ở những làng nghề sản xuất sản phẩm truyền thống có thế mạnh của Ninh Bình như: Làng nghề sản xuất chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ và một số làng nghề sản xuất bún bánh, mộc... Tuy nhiên, việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước ở một số DN còn khó khăn, do quy mô và năng lực SX-KD hạn chế. Nhiều làng nghề chưa có ban quản lý, chưa có cơ sở, DN làm đầu mối phụ trách bao tiêu sản phẩm nên khả năng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ hạn chế, đơn cử như các làng nghề mây tre đan...

Khảo sát cho thấy, hiện có gần 300 DN, cơ sở đầu mối trong việc bao tiêu sản phẩm và cung cấp nguyên liệu cho các hộ dân trên địa bàn các làng nghề tỉnh Ninh Bình. Đa số các DN duy trì, phát huy được hiệu quả hoạt động SX-KD, ký được các hợp đồng lớn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động khu vực, như: Xí nghiệp sản xuất cói Năng Động, Đổi Mới, Xuân Tình, Quang Minh... Bên cạnh đó, còn một số DN, tổ hợp có quy mô nhỏ nên chưa chủ động trong ký hợp đồng nguồn hàng, dự trữ nguyên liệu, dẫn tới việc làm của người lao động không ổn định, thu nhập thấp.

Vì vậy, cần có chính sách ổn định lâu dài đối với các vùng nguyên liệu đã có sẵn (vùng nguyên liệu cói, đá mỹ nghệ), đồng thời, hàng năm có kế hoạch, định hướng thu mua, dự trữ nguyên liệu ổn định cho sản xuất; có chính sách hỗ trợ đối với các DN trong việc dự trữ nguyên liệu.

Ngành Công Thương Ninh Bình xác định, đẩy mạnh hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại để các DN đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển sản phẩm, đăng ký thương hiệu, tham gia hội chợ triển lãm, nhằm quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến sản phẩm xuất khẩu.